Game - thú vui "sang chảnh" những năm 2006 - 2013


Tuổi thơ tôi gắn liền với những buổi trưa hè oi ả, tiếng ve kêu râm ran, và những lần trốn mẹ để “cày” game. Không có máy tính cấu hình khủng, không smartphone xịn sò, nhưng tôi vẫn có cả một thế giới game phong phú để khám phá.

Thời đó, tụi trẻ chúng tôi đâu có những dàn PC khủng chip Intel Core I7 với card đồ hoạ 1080Ti, đâu có những chiếc smartphone nhưng Samsung S24 hay Iphone 14 Pro Max, cũng đâu có những chiếc "máy lọc không khí" của nhà Sony. Tuy vậy, tuổi thơ dữ dội và nhiều kỉ niệm vẫn có thể được tạo nên từ những điều đơn giản và "nghèo nàn"

Tôi bắt đầu dùng máy tính từ năm 2005, khi còn tôi chưa biết Tiếng Anh mà chỉ dựa vào những biếu tượng trên màn hình máy tính để sử dụng nó. Thời đó, Windows XP vẫn còn đang trong thời kì phát triển. Một trong những biểu tượng thời đó làm tôi nhớ nhất đó chính là logo của Popcap Game.

Những tựa game đình đám của PopCap thời ấy như Plants vs. Zombies, Feeding Frenzy (hay còn được gọi dân dã là “Cá lớn nuốt cá bé”), Dynomite Deluxe – trò bắn trứng khủng long với tiếng gà kêu “Bawk!” vui nhộn – gần như là “tôn giáo” đối với bọn trẻ con chúng tôi. Mỗi trò chơi đều sở hữu một bản sắc riêng, từ âm nhạc bắt tai, hình ảnh dễ thương cho tới gameplay tưởng chừng đơn giản nhưng lại cuốn hút đến kỳ lạ. Plants vs. Zombies thì khiến tôi đắm chìm hàng giờ vào những chiến thuật phòng thủ cây cối để chặn bước lũ xác sống. Feeding Frenzy thì hồi hộp từng giây một, chỉ sơ sẩy là chú cá của tôi bị con khác nuốt gọn. Còn Dynomite, với tiếng trứng vỡ răng rắc và những pha combo nổ như pháo tết, trở thành niềm vui nho nhỏ không thể thiếu mỗi buổi trưa hè.

Thời đó nhà tôi chưa có internet, máy tính thì chạy Windows XP với màn hình CRT nặng chình chịch. Để có game chơi, tôi thường phải lọ mọ đạp xe sang nhà thằng Trung Anh – đứa bạn thân kiêm “nhà phân phối game lậu không lương” – để xin chép nhờ qua USB. USB hồi ấy chỉ 512MB, nên mỗi lần chép game là phải ngồi sắp xếp, xóa cái này, giữ cái kia như chơi Tetris. Chép xong là hí hửng mang về nhà, trốn mẹ vào giờ trưa, bật máy và lén chơi. Cái cảm giác khi logo PopCap hiện lên trên màn hình kèm tiếng nhạc dạo vang lên, đến giờ vẫn khiến tim tôi rung động mỗi khi nhớ lại.

Trong thế giới game chiến thuật, có hai cái tên luôn khiến tôi nhớ mãi: Cossacks: Back to War và thỉnh thoảng là Đế Chế – hay còn gọi là AOE. Nhưng nếu Đế Chế giống như một cuộc thi đấu bóng đá giữa các trường làng – vui nhưng quá quen thuộc – thì Cossacks lại như một bản giao hưởng phức tạp của chiến tranh châu Âu thế kỷ XVII, nơi tôi được hóa thân thành những vị tướng thao lược, chỉ huy hàng trăm, thậm chí hàng ngàn binh lính cùng lúc, trải dài trên bản đồ rộng lớn.

Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác phấn khích khi điều khiển đội kỵ binh Ba Lan (Poland) – những anh lính phi ngựa “vailoz” nhất quả đất, chỉ cần 30 giây là băng qua hết đường chéo bản đồ. Họ không chỉ nhanh mà còn cực kỳ hiệu quả trong việc tập kích bất ngờ vào kho tài nguyên của đối phương. Rồi đến những chú “ngựa đen” siêu trâu của Anh Quốc (England), mà mỗi lần xuất quân là như thể sấm sét nổ rền, khiến đội hình địch tan tác như lá khô trước gió. Những ký hiệu cheat quen thuộc như money, hay tổ hợp huyền thoại www rồi p để spam lính nhanh chóng, giờ đây vẫn nằm gọn trong trí nhớ tôi như mới chỉ sử dụng ngày hôm qua.

Những buổi chiều ngồi lì bên màn hình CRT, vừa đếm tài nguyên, vừa nghe tiếng trống trận vang lên, xen lẫn tiếng búa đập của dân làng và tiếng súng thần công gầm rú – đó không chỉ là chơi game, đó là sống trong một thời kỳ lịch sử, do chính mình viết lại. Tôi còn nhớ lúc “chiến dịch lặng lẽ” là khi ba mẹ đang ngủ trưa, tôi phải bật loa nhỏ hết cỡ, ngồi lom khom chơi cho đỡ bị phát hiện. Và mỗi lần thắng trận, dù chỉ là trước AI cấp trung bình, tôi vẫn cảm thấy như mình vừa thắng một trận đánh ở Waterloo.

Thế rồi thời gian trôi đi, máy tính nâng cấp lên Windows 10. Một ngày, tôi bỗng muốn quay lại chiến trường cũ, nhưng nhận ra Cossacks: Back to War không thể chạy được nữa. Cảm giác hụt hẫng ấy như thể bạn tìm về ngôi nhà tuổi thơ, nhưng cửa đã bị khoá và không ai còn sống ở đó. Mãi cho đến một hôm, tình cờ lướt Steam, tôi thấy Cossacks xuất hiện như một người bạn cũ bất ngờ gõ cửa. Không chần chừ, tôi lập tức mua game và tải về. Khi bản nhạc nền quen thuộc vang lên, tôi gần như rưng rưng. Những thanh niên Poland lại phi ngựa trong gió, pháo đài lại rực cháy trong khói lửa, và tôi – chàng thiếu niên năm nào – lại sống lại những ngày tháng mê mải chiến đấu trong căn phòng nhỏ, giữa tiếng ve mùa hè và mùi giấy vở cũ kỹ.

Sang đến thời điểm những năm 2010 - 2012, thời điểm mà game online bắt đầu xâm nhập trong tâm trí tôi khi ông anh trai bắt đầu set up con PC của ổng. Vẫn Windows XP nhưng mà cấu hình máy xịn hơn với chiếu Core Dual (của tôi là con Pentium 4 cũ nát). Ngày đó mạng xã hội Zing Me của VNG bắt đầu khuynh đảo giang hồ và theo sau đó là những con game đã làm nên tuổi thơ của không ít anh em như Gunny, Boom Online, Nông trại vui vẻ, Zing Speed, Võ lâm chi mộng,... Tôi vẫn nhớ ngày đó tôi chơi game Zing Me bằng con nick của ông anh đặt tên là vaxco123, đến giờ tôi vẫn không hiểu sao ổng đặt cái tên dị hợm đó.

Game đầu tiên tôi chơi trên Zing Me là Nông Trại Vui Vẻ, và có lẽ chính nó là hạt giống đầu tiên gieo vào tôi tình yêu lâu dài với thể loại nông trại và sinh tồn. Khi ấy, trò chơi không có đồ họa khủng, không yêu cầu cấu hình máy cao, nhưng lại mang một thứ “ma thuật” kỳ lạ khiến tôi có thể gắn bó với nó hàng giờ liền – chỉ để… bắt sâu và tưới cây.

Mỗi buổi trưa hè, khi ánh nắng ngoài trời chói chang, ve kêu inh ỏi bên khung cửa sổ, tôi lại bật máy, đăng nhập vào nông trại nhỏ bé của mình. Những ô đất được tôi chia cẩn thận, luống trồng hoa màu xen kẽ cây ăn quả như thể tôi là một ông chủ trang trại thực thụ. Việc đầu tiên luôn là đi bắt sâu – những con sâu ngọ nguậy phá hoại mùa màng – rồi tưới nước cho từng cây, từng bụi cà chua, bí đỏ. Tôi nhớ rõ cái cảm giác “phấn khích” khi cây trưởng thành và có thể thu hoạch, đặc biệt là cây xoài – giống cây tôi yêu thích nhất. Không chỉ vì nó cho nhiều tiền trong game, mà còn vì hình ảnh quả xoài vàng óng, tròn trịa, toát lên một vẻ đẹp rất… Việt Nam. Nó làm tôi nhớ tới những cây xoài thật ngoài sân nhà nội, mỗi mùa hè lại sai trĩu quả và thơm lừng trong nắng.

Nhưng điều hấp dẫn nhất của Nông Trại Vui Vẻ lại không nằm ở chuyện trồng trọt, mà là… phá hoại lẫn nhau. Tôi và đám bạn thường hẹn nhau online cùng giờ, nhưng không phải để giúp đỡ nhau như những người hàng xóm tốt bụng trong game hướng dẫn, mà là để… sang vườn nhà đứa khác trộm nông sản, thả sâu, phá đồ. Niềm vui đôi khi đến từ sự tinh nghịch. Cảm giác “vô hình” đi trộm một luống khoai rồi chạy về vườn mình như kẻ trộm tài ba khiến tôi sung sướng không tả nổi.

Những năm sau đó, Zing Me bắt đầu nâng cấp giao diện và cập nhật phiên bản mới cho Nông Trại Vui Vẻ. Game nhiều màu mè hơn, có thêm các hiệu ứng động, item sặc sỡ và các sự kiện hàng tuần. Nhưng với tôi, thứ gì đó thân quen đã không còn nữa. Không rõ là do tôi lớn lên, hay do game đã đánh mất cái hồn giản dị ban đầu, nhưng tôi dần ít vào hơn, rồi một ngày quên mất mật khẩu đăng nhập lúc nào không hay. Có lần thử trở lại, tôi chỉ thấy một nông trại vắng lặng – vườn cây úa tàn, những hàng rào đã mục nát – chẳng khác gì một vùng ký ức ngủ quên.

Tôi nhận ra một điều: đôi khi, sự quen thuộc còn đáng giá hơn cả những nâng cấp hiện đại. Cái cách mà Nông Trại Vui Vẻ ban đầu khiến tôi gắn bó không phải vì nó xuất sắc về kỹ thuật, mà vì nó giống một phần đời sống tuổi thơ tôi – bình dị, tinh nghịch, và đầy ắp tiếng cười. Đổi mới là cần thiết, nhưng không phải lúc nào cũng tốt. Nhất là khi nó thay đổi cả cái cảm xúc nguyên sơ mà một trò chơi từng mang lại.

Những buổi trưa hè oi ả, tôi cùng đám bạn tụ tập tại quán net gần nhà, nơi mà tiếng chuột lách cách và tiếng bàn phím gõ liên hồi tạo nên một bản hòa tấu sôi động. Chúng tôi say mê tham gia các phó bản như “Thành Gà”, “Giải cứu Gà con” hay “Ải Kiến”, nơi mà mỗi lần chiến thắng đều mang lại niềm vui khôn tả. Để tăng cường sức mạnh, tôi phải chắt chiu từng viên đá, từng lá bùa để nâng cấp vũ khí, áo giáp, mũ nón lên +7, +8. Mỗi lần thành công, cảm giác hạnh phúc vỡ òa; còn khi thất bại, tôi lại tự nhủ: “Lần sau sẽ may mắn hơn.”

Cộng đồng Gunny Mobi lúc bấy giờ vô cùng sôi động. Những cái tên như “Destiny” hay “Chủ lò gạch” với lực chiến top server lên đến 80k luôn là niềm ao ước của tôi. Chúng tôi không chỉ chơi game mà còn chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn nhau cách chơi, tạo nên một cộng đồng gắn kết và thân thiện.

Tuy nhiên, thời gian trôi qua, Gunny phiên bản trên Zing Me đã chính thức đóng cửa vào ngày 24/06/2017 , để lại trong lòng tôi một khoảng trống lớn. May mắn thay, Gunny Mobi – phiên bản mobile của trò chơi – vẫn tiếp tục hoạt động, mang lại cho tôi cơ hội sống lại những kỷ niệm xưa. Với đồ họa được cải tiến nhưng vẫn giữ nguyên lối chơi truyền thống, Gunny Mobi đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí top 1 trên App Store ngay trong ngày ra mắt, chứng tỏ sức hút không thể chối từ của tựa game huyền thoại này.

Giờ đây, dù đã trưởng thành và bận rộn với cuộc sống, tôi vẫn dành thời gian để chơi Gunny Mobi trên điện thoại. Mỗi lần đăng nhập, tôi lại được sống lại những ngày tháng tuổi thơ tươi đẹp, nơi mà tình bạn, niềm vui và những trận chiến đầy kịch tính luôn hiện hữu. Gunny không chỉ là một trò chơi, mà còn là một phần ký ức ngọt ngào, gắn liền với tuổi thơ của tôi và biết bao game thủ Việt Nam.

Một số game casual khác tôi cũng chơi trên Zing Me như Ao cá vui vẻ, Nhà hàng vui vẻ và Happy city. Ao Cá Vui Vẻ là một trò chơi quản lý hồ cá, nơi tôi hóa thân thành một người nuôi cá chuyên nghiệp. Mỗi ngày, tôi chăm sóc đàn cá của mình, cho ăn, dọn dẹp hồ và chờ đợi chúng lớn lên để thu hoạch. Điều thú vị là tôi có thể ghé thăm hồ cá của bạn bè, giúp đỡ họ hoặc đôi khi “troll” bằng cách thả rác hoặc cá mập vào hồ của họ, tạo nên những tràng cười sảng khoái .  

Nhà Hàng Vui Vẻ là nơi tôi trở thành một quản lý nhà hàng bận rộn. Từ việc sắp xếp bàn ghế, phục vụ khách hàng đến nấu nướng và mở rộng thực đơn, tất cả đều do tôi đảm nhận. Mỗi ngày, tôi cố gắng nâng cấp nhà hàng của mình, thu hút thêm khách hàng và cạnh tranh với bạn bè để trở thành nhà hàng được yêu thích nhất .

Happy City là trò chơi xây dựng thành phố mơ ước của riêng tôi. Tôi bắt đầu với một mảnh đất nhỏ, dần dần xây dựng các công trình như nhà ở, cửa hàng, công viên và cơ sở hạ tầng khác để thu hút cư dân và phát triển thành phố. Việc quản lý tài nguyên, lên kế hoạch xây dựng và tương tác với thành phố của bạn bè mang lại cho tôi cảm giác như một thị trưởng thực thụ . 

Dù thời gian trôi qua và Zing Me đã không còn hoạt động, nhưng những kỷ niệm về Ao Cá Vui Vẻ, Nhà Hàng Vui Vẻ và Happy City vẫn luôn sống động trong tôi. Đó không chỉ là những trò chơi giải trí, mà còn là nơi tôi học được cách quản lý, lên kế hoạch và quan trọng nhất là những khoảnh khắc vui vẻ bên bạn bè.